Với tư duy nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, ông Nguyễn Văn Công (46 tuổi, ở xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Ông Công là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Con đường trở thành tỉ phú của nhà nông trẻ này được nhiều người nể phục. Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông là một trong những mô hình tiêu biểu tại tỉnh Nam Định, trở thành địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm của người dân trong vùng.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng chua, nước mặn Hải Xuân, chứng kiến người dân nơi đây bao đời gắn bó với cây lúa nhưng cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu, chàng thanh niên mang trong lòng khát vọng làm giàu Nguyễn Văn Công đã quyết chí phải tìm hướng đi riêng để lập thân, lập nghiệp.
Khi ấy, Nguyễn Văn Công xác định, chỉ có thâm nhập thực tế, tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng mới có thể biết chính xác đầu tư vào lĩnh vực nào là phù hợp, không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn phát triển bền vững.
Với suy nghĩ đó, Nguyễn Văn Công đã bắt đầu khởi nghiệp với những chuyến hàng lúc thì gà, khi là lợn hoặc các sản phẩm nông sản từ quê ra phố, từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí đến tận vùng biên giới giáp nước bạn để bán kiếm lời.
Sau vài năm lăn lộn buôn bán, tích lũy vốn, học tập kinh nghiệm làm ăn, Nguyễn Văn Công đã bắt tay đầu tư vào chăn nuôi, làm ông chủ trang trại ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 2000, ông đã cải tạo vài trăm mét vuông đất vườn của gia đình xây dựng chuồng trại, nuôi 200 con lợn cỏ (giống lợn đặc sản). Việc chăn nuôi thuận lợi, gia đình ông tiếp tục mở rộng chuồng nuôi và duy trì đàn lợn 400 - 500 con, cung ứng cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Năm 2006, giá lợn bắt đầu xuống thấp, không còn ổn định như trước đây. Hơn nữa, sau khi nắm được tâm lý, xu hướng của người tiêu dùng, ông Công đã chuyển sang đầu tư làm trang trại nuôi gà đẻ trứng. Từ 1.500 con gà ban đầu, chưa đầy 2 năm sau số lượng gà đẻ của gia đình ông đã tăng lên 5.000 con.
Với tỷ lệ gà đẻ cao, mỗi ngày gia đình thu về khoảng 4.000 quả trứng. Số lượng trứng lớn, thương lái không tiêu thụ hết, trứng tồn đọng nhiều, ông Công buộc phải mang trứng chào bán khắp nơi để tìm đầu ra.
Ông Công tâm sự, suốt trong khoảng 2 năm (2006 - 2007), mỗi ngày ông chở 900 quả trứng trên chiếc xe máy đi khắp nơi để chào hàng. Các cơ sở kinh doanh nông sản tiêu thụ số lượng trứng không lớn, trong khi đó các công ty bánh, kẹo chưa đồng ý hợp tác vì trứng còn thiếu các tiêu chuẩn theo yêu cầu sản xuất bánh, kẹo.
Chính trong giai đoạn khó khăn đó, ông đã nhận ra rằng, thị trường tiêu thụ trứng gà khá tiềm năng, chỉ cần đạt tiêu chuẩn, chất lượng và trở thành đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất bánh, kẹo thì mọi khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sẽ được tháo gỡ. Không những thế gia đình ông còn có điều kiện để mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các yêu cầu khắt khe của cơ sở sản xuất bánh, kẹo, ông Công quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà đẻ theo công nghệ hiện đại, an toàn.
Thời điểm đó, tại địa phương chưa có gia đình nào chăn nuôi quy mô lớn, nhất là áp dụng công nghệ vào sản xuất nên khi ông bắt tay vào làm, ngay đến người thân trong gia đình cũng lo ngại về tính khả thi của mô hình này.
"Thực tế những lo lắng của người thân, bạn bè là hoàn toàn có cơ sở, bởi chăn nuôi an toàn cần sự đầu tư lớn, quy trình khắt khe nên sản phẩm phải bán với giá cao hơn, rất khó cạnh tranh", ông Công chia sẻ.
Tuy nhiên, với vốn kiến thức tích lũy được từ những chuyến đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và ở các nước: Trung Quốc, Thái Lan, ông Công cương quyết giữ quan điểm, muốn làm ăn lớn, bài bản thì không thể chăn nuôi theo phương thức truyền thống vì dễ gặp rủi ro do bệnh dịch.
Ngược lại, nuôi gà trong chuồng lạnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, hướng đến nguồn sản phẩm sạch, an toàn. Đây là xu thế tất yếu trong thời kỳ mới, cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Năm 2008, gia đình ông thuê lại diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của người dân trong vùng xây dựng trang trạng có tổng diện tích hơn 4 ha, đầu tư hệ thống chuồng trại theo quy trình công nghiệp, nâng tổng số gà đẻ lên 10.000 con.
Ông Công cho biết, chuồng nuôi được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của Công ty Cổ phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam, song căn cứ vào điều kiện không khí, môi trường ở địa phương từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Thông thường, hơi mặn và độ ẩm vùng ven biển cao hơn những nơi khác, vì thế mỗi chuồng nuôi phải thiết kế vừa phải, cao từ 1,7 - 1,9 m, rộng 12 m, dài 60 m, có hệ thống làm lạnh, quạt thông gió thông thoáng, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định khoảng 25 độ C.
Hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn được sắp xếp hợp lý với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà phát triển, đẻ trứng. Nhờ đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống, điều hòa nhiệt độ và cân bằng nhiệt tự động, xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học nên đã giảm đáng kể số lao động chăm sóc gà, vệ sinh chuồng trại.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo chăn nuôi theo quy trình chặt chẽ, khoa học đã tạo điều kiện để gà phát triển tốt, không bị dịch bệnh, đáp ứng các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hàm lượng dinh dưỡng của trứng, tỷ lệ lòng đỏ...
"Hơn 10 năm qua, trên địa bàn đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh khiến không ít hộ chăn nuôi, chủ gia trại, trang trại lao đao song đàn gà của gia đình vẫn an toàn", ông Công thông tin.
Với chiến lược chăn nuôi bài bản, năm 2009, ông đã chào hàng thành công sản phẩm trứng gà sạch của gia đình và được các công ty bánh kẹo, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ số lượng lớn.
Dù là một nông dân chính hiệu, không qua trường lớp đào tạo nhưng bằng những trải nghiệm thực tế, ông ý thức được rằng, chăn nuôi an toàn sinh học, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo dựng thương hiệu là "chìa khóa" giải bài toán cạnh tranh và hội nhập.
Vì vậy, cùng với việc không ngừng mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Công đặc biệt chú trọng xây dựng trang trại đạt chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Năm 2016, ông xây dựng thương hiệu sản phẩm với tên gọi trứng gà Công Phượng.
Hiện gia đình ông Công có 6 chuồng nuôi với 45.000 con gà đẻ, chủ yếu là các giống gà Isa nâu và Ai Cập; tỷ lệ gà đẻ đạt 85-90%. Mỗi ngày, trang trại của gia đình ông cung cấp cho thị trường hàng vạn quả trứng. Sản phẩm trứng gà Công Phượng đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Nam Định và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Liên tiếp trong các năm 2017 và 2018, doanh thu từ trại gà của gia đình ông Công đều đạt trên 20 tỉ đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 10-12 lao động địa phương, thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng, thời gian tới ông sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn giúp các hộ dân trên địa bàn phát triển chăn nuôi gà, xây dựng các trang trại vệ tinh...
Ông Bùi Xuân Các, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, khẳng định: Trang trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Văn Công là mô hình tiêu biểu tại địa phương. Mô hình này đã góp phần chứng minh hiệu quả của việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, hiện đại.
Đây cũng là hướng đi có tính bền vững, gợi mở cho người dân học tập, làm theo, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các đối tượng cây trồng, con nuôi khác cho giá trị kinh tế cao hơn.
Theo:"moitruongvadothi.vn"