Chớ coi thường "vi khuẩn ăn thịt người"

Thứ ba, 17/09/2019 - 03:08 PM      451

Bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng

"Vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore không lây truyền từ người sang người, không gây dịch nhưng gây ra các ca bệnh tản phát dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Liên tiếp ghi nhận các ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể người, giới chuyên môn cảnh báo căn bệnh này đang có nguy cơ quay trở lại.

Miền nào cũng có

Chỉ trong tháng 8-2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nếu như trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore thì từ đầu năm 2019 đến nay, nơi đây đã ghi nhận tới 20 ca mắc bệnh.

Điển hình là một nữ bệnh nhân nhập viện với tình trạng vi khuẩn Whitmore ăn cánh mũi. Trước khi đến đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại BV Bạch Mai, kết quả cấy máu và mủ ở vết thương cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Whitmore. Cũng trong tuần qua, tại miền Trung, BV Sản - Nhi tỉnh Nghệ An xác nhận tại đây đã phát hiện và điều trị cho 3 ca mắc bệnh Whitmore. Cả 3 trường hợp khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai, bệnh tình đã nặng do điều trị như mắc quai bị tại nhà. Cùng thời điểm, BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng phát hiện một ca mắc bệnh.

Chớ coi thường vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh 1.

BS Lê Bửu Châu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, dẫn ra nghiên cứu gần đây do bệnh viện thực hiện về căn bệnh nói trên Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Tại khu vực phía Nam, chỉ riêng BV Bệnh nhiệt đới TP HCM từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh nhập viện điều trị. BS chuyên khoa I Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết cả 9 tháng qua, tháng nào cũng có ca bệnh, tập trung vào tháng 6, 7 và 8 (mỗi tháng 3 ca).

Giới chuyên môn cho biết Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải bụi đất chứa vi khuẩn này. Quá trình làm việc của người dân nếu đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì dễ bị vi khuẩn này tấn công. Chúng nằm sẵn trong phổi chờ khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ phát triển.

BS Lê Bửu Châu, Trưởng Khoa Nhiễm B BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phát hiện từ rất lâu và bệnh ngày càng nhiều trên thế giới. Theo báo cáo của Viện Pasteur Sài Gòn trước năm 1975, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một phụ nữ 24 tuổi, sống tại quận Thủ Đức đang mang thai tháng thứ 5. Bệnh nhân khởi phát sốt cao đột ngột không kèm lạnh run hay bất kỳ triệu chứng khu trú hay toàn thân nào khác. Sau đó, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau lưng, buồn nôn, ho khan và nấc cụt. Tình trạng diễn biến xấu dần, bệnh nhân sẩy thai, thiếu máu ngày một nặng hơn, kiệt sức dần và tử vong vào ngày bệnh thứ 14.

Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ

Theo BS Lê Bửu Châu, trung bình mỗi năm BV Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận điều trị khoảng 25-30 ca. Một nghiên cứu gần đây trên 58 bệnh nhân nhiễm bệnh nói trên điều trị tại BV cho thấy 86% là nam, 16% là nữ; nhóm tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 40-60 (chiếm 53,5%). Trong số mắc bệnh này, 32,8 % làm nghề nông, 2/3 trường hợp còn lại có nghề nghiệp khác không liên quan việc tiếp xúc với đất hay nước. Miền Đông Nam Bộ là khu vực có người bệnh mắc nhiều nhất (60,3%), trong đó nhiều nhất là TP HCM (15 ca), kế đến Tây Ninh (7 ca), Bình Dương (6 ca) và Bình Phước (5 ca); tỉnh Long An có 7 ca; các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, mỗi tỉnh có 3 ca.

Theo PGS Đỗ Duy Cường, đây không phải bệnh mới nổi. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam, bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị "lãng quên". Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, đa dạng. Bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... do bệnh nhân mắc bệnh Whitmore thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… "Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì thêm từ 3 - 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%" - PGS Đỗ Duy Cường nói.

GS-TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - cho biết: "Vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2 - 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Dấu hiệu của bệnh thường gặp là tình trạng nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi - virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu của bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán".

Giới chuyên môn cũng lưu ý hiện Whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó để phòng tránh bệnh, những người tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. 

Chủ yếu mắc bệnh vào mùa mưa

Theo BS Lê Bửu Châu, nghiên cứu chỉ ra hơn 67% mắc bệnh vào mùa mưa, trong đó tháng 8 có số ca mắc nhiều nhất (20%), tháng 6 (15,5%). Phân tích theo bệnh nền và cơ địa thì mắc nhiều nhất là đái tháo đường (67,2%), kế đến là bệnh gan mạn tính (17,3%), nghiện rượu (15,5%). Gần 60% bệnh nhân nghiên cứu được ghi nhận có thường xuyên tiếp xúc với đất do công việc làm ruộng, làm rẫy, làm vườn.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).
Tags:
Ý kiến của bạn