Người dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải lo lắng vì cá nuôi bị bệnh không xuất bán được.
Tại vùng biển vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), người nuôi cá bóp lồng bè nơi đây bị hốt hoảng khi ngày nào cũng thấy cá bị chết không rõ nguyên nhân.
Nhiều hộ dân nuôi cá nơi đây cho biết, khi cho ăn thì cá có triệu chứng bỏ ăn, nổi lên mặt nước, quan sát kỹ thấy trên da của cá có nổi đốm trắng. Có hộ nuôi mỗi ngày cá chết trên dưới 200 con/lồng bè.
Ông Thập Duy Tân, ở xã Vĩnh Hải cho biết, nghề nuôi cá lồng bè được gia đình làm hơn 4 năm nay. Vụ rồi, gia đình ông thả nuôi 8 lồng, mỗi lồng từ 120 đến 150 con cá bóp giống. Nuôi được vài tháng thì cá phát triển và cân nặng được từ 1,5 đến 2 kg/con. Mới đây, không hiểu sao cá bỏ ăn, mình cá nổi đốm trắng, trong miệng nổi hột đỏ rồi sau đó chết rải rác, tính ra đã có tới 125 con bị chết, thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Theo người dân nơi đây, chi phí đầu tư nuôi một vụ/lồng khoảng vài trăm triệu đồng, nếu suôn sẻ xuất bán thì người nuôi cũng thu lãi vài trăm triệu đồng/lồng nuôi, tùy theo mùa vụ và giá cả thị trường. Nhưng khi cá xảy ra bệnh ở giai đoạn còn nhỏ (khoảng trên dưới 2 kg/con) thì không bán được, dẫn đến thiệt hại không nhỏ.
Người nuôi cá bóp ở xã Vĩnh Hải cho rằng, thực tế khi thả nuôi phải mất thời gian từ 6 - 7 tháng mới xuất bán. Giai đoạn đó thì cá mới lớn, cân nặng từ 4 - 5 kg/con. Còn hiện nay nhiều hộ mới bắt đầu nuôi khoảng được 4 tháng, cá chỉ cân nặng trên dưới 2 kg/con.
Có ít hộ nuôi trước đó, cá lớn khoảng 4 - 5 kg nhưng xuất bán chỉ được giá 90.000 đồng/kg, vì bị các thương lái ép và cho là cá bị bệnh. Thực tế, hiện nay trên thị trường cá bóp có giá từ 160.000 - 190.000 đồng/kg, loại 5 kg/con. Như vậy, tính ra người nuôi bị thiệt khoảng một nửa giá bán.
Đáng nói hơn, đối với những hộ nuôi nhưng cá còn nhỏ và bị bệnh thì xuất bán không ai mua, đành xẻ phơi khô, cá chết bỏ không.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi được thông tin tình trạng cá chết, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy sản đến kiểm tra và lấy mẫu phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cá bị bệnh và chết.
Khi có kết quả chính thức, Chi cục Thủy sản cùng với Chi cục chăn nuôi và thú y, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân cách phòng bệnh khi nuôi. Đồng thời hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật để tổ chức lại nghề nuôi, tránh thiệt hại xảy ra như hiện nay.
Các địa phương ven biển của tỉnh Ninh Thuận có khoảng 350 lồng bè nuôi cá bóp, riêng tại khu vực vịnh Vĩnh Hy có đến 78 lồng bè được người dân nuôi. Đây là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao hiện nay. Nếu được ngành thủy sản quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cách nuôi an toàn, không xảy ra dịch bệnh thì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn vùng biển.
Theo:tapchithuysanvietnam