Được biết, ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H.illucens.
Khi trưởng thành chúng có màu đen, dài từ 12–20mm và bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen.
Quyết định từ bỏ công việc kỹ sư về khởi nghiệp bằng việc nuôi ruồi lính đen – loại côn trùng khiến nhiều người khi thấy đã muốn tránh xa nhưng anh Nguyễn Chí Cảnh (28 tuổi, đã tốt nghiệp khoa Xây dựng của Đại học Kiến trúc TP HCM) vẫn quyết định bước chân vào vì đam mê nông nghiệp.
Sau khi ra trường, anh Cảnh bắt đầu làm ở các công trình với vị trí kỹ sư được khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, cảm thấy chán nản và không phù hợp với môi trường đó nên đã nghỉ.
Kể về cơ duyên với nghề nuôi ruồi hiện tại, anh Cảnh cho biết, sau khi nghỉ việc, anh tình cờ đi Vĩnh Long và gặp 1 người anh làm nghề nuôi ruồi và kể từ đó anh bắt đầu mua giống, mua trứng và nhân ra để nuôi. Đến thời điểm hiện tại đã được 6 tháng.
“Khi biết tôi bỏ nghề kỹ sư về nuôi ruồi, ba mẹ tôi cũng buồn, bởi vì ở quê mọi người rất quan trọng chuyện học xong ra trường làm văn phòng hoặc những công việc ổn định, nhưng cá nhân tôi lại thích làm về nông nghiệp.
Mỗi kg trứng ruồi được bán ra với giá 20 triệu đồng/kg, mỗi tháng sẽ có được khoảng 4 kg trứng tương ứng với số tiền 80 triều đồng/tháng”, anh Cảnh tâm sự.
Hợp tác cùng với anh Cảnh là anh Nguyễn Nhu, cũng từng là kỹ sư điện. Anh Nhu cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình nuôi ruồi lính đen, công đoạn khó nhất là cho ruồi sinh sản trứng.
Công đoạn này đòi hỏi người nuôi phải đáp ứng được điều kiện ánh sáng tốt nhưng phải mát mẻ, hướng Đông lấy ánh sáng sớm, hướng Tây che chắn không để nắng chiều chiếu vào.
Bên cạnh đó phải cung cấp nước uống, thùng mùi phải phù hợp. Cụ thể, phù hợp ở đâu là nếu không hôi thì ruồi không chịu đến đẻ, còn hôi quá thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Ruồi lính đen sẽ có 2 giai đoạn đó là giai đoạn nhộng và giai đoạn ruồi. Ở giai đoạn nhộng người nuôi phải lấy trứng về ấp thành nhộng và nuôi khoảng hơn 20 ngày, khi đó nhộng sẽ hóa đen, đóng kén lại và nở thành ruồi.
Vòng đời của loài này rất ngắn chỉ sống được từ 7 – 10 ngày, sau khi đẻ xong sẽ chết, khi đó người nuôi lại lấy trứng ra để ấp thành con nhộng mới và tiếp vòng đời như vậy. Đây cũng là một trong những khó khăn của người nuôi. Bởi, nếu không nắm vững được kĩ thuật thì có thể làm hỏng ấu trùng trong vòng đời sinh trưởng.
Công dụng của ruồi lính đen là cung cấp chất đạm cho vật nuôi. Còn khi trở thành ruồi được dùng làm mồi cho chim yến. Ngoài ra, ở giai đoạn nhộng thì ruồi lính đen xử lý được rác thải hữu cơ rất đa dạng, đó là biến rác thải thành phân hữu cơ vi sinh có lợi cho cây trồng.
Mỗi tuần, trại ruồi của anh Cảnh và anh Nhu cho ra thị trường khoảng 1kg trứng, tương đương với 3-4 tấn sâu, chủ yếu cung cấp cho các trang trại heo, gà, chim cút và bò…. Bên cạnh đó, mô hình của anh còn bán ấu trùng cho các đối tác nuôi tôm.
Trong tương lai, anh Cảnh sẽ mở rộng trang trại với quy mô lớn hơn. “Ban đầu, tôi đặt mục tiêu là nuôi đủ số nhộng để lấy trứng, được khoảng 2 lạng trứng ruồi một ngày. Thời điểm hiện tại, tôi đã có 2 nhà nuôi ruồi và mỗi ngày thu được khoảng 150g trứng tùy vào thức ăn và cách người chăm sóc.
“Mục tiêu của tôi chỉ sản xuất và cung cấp trứng cho người dân để nhân giống, còn nhộng với sâu thì chưa bán”, anh Cảnh thông tin.
Một số hình ảnh về trang trại và quy trình nuôi ruồi lính đen của hai chàng kỹ sư 9x:
Theo: Nhịp sống kinh tế