Ông Huệ chia sẻ: Bình quân mỗi ngày ông đổ xuống 2 hồ tôm gần 1 triệu tiền thức ăn, nhưng sau 3 tháng nuôi, tôm chỉ đạt kích cỡ từ 250 – 270 con/kg. Bình thường với thời gian này, tôm đã cho thu hoạch đạt kích cỡ 80 – 100 con/kg.
Điều làm ông ngạc nhiên là tôm ăn rất khỏe mà lại bị “suy dinh dưỡng” càng nuôi càng còi cọc. Hiện tượng này khiến ông “mất ăn, mất ngủ” cả tháng trời theo dõi tìm nguyên nhân, nhưng cuối cùng “bó tay”, phải báo với cơ quan chuyên môn về lấy mẫu xét nghiệm.
Đầm tôm của anh Nguyễn Văn Ngọ ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cũng có hiện tượng tôm nuôi chậm lớn bất thường. Sau hơn 3 tháng nuôi, tôm cũng chỉ to bằng đầu đũa.
Theo anh Ngọ thì khi tôm thả nuôi trong tháng đầu tiên vẫn phát triển tương đối bình thường nhưng sau khi đạt trọng lượng khoảng 3-4 gram/con thì tôm cũng chậm lớn dần, rồi có thể dừng lớn hẳn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày tuổi chỉ đạt kích cỡ từ 200-250 con/kg.
“Vụ tôm này được tôi kỳ vọng rất nhiều bởi chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nhưng với kích cỡ trên thì lỗ nặng. Mặc dù tôm còn nhỏ nhưng cũng phải thu hoạch bán giá rẻ nhằm vớt vát được đồng nào hay đống ấy” – anh Ngọ cho hay.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ chính quyền địa phương, cán bộ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đã trực tiếp về các vùng nuôi tôm trên để tiến hành kiểm tra, lấy mẫu tôm làm xét nghiệm tìm nguyên nhân. Qua đó, phát hiện ký sinh trùng vi bào tử trùng (EHP) gây bệnh trên tôm.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc cũng đã về Hà Tĩnh tiến hành lấy mẫu tại 20 hộ nuôi tôm trên cát thuộc các xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Hải (Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Liên (Nghi Xuân). Kết quả cho thấy 8 hộ có tôm bị mắc bệnh vi bào tử trùng (EHP).
Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: Đây là bệnh lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hà Tĩnh. Khi tôm càng ăn nhiều thức ăn trong quá trình nuôi thì lượng phân thải ra cũng càng nhiều. Trong khi đó, EHP là một bệnh lây qua đường phân - miệng điển hình, không cần ký chủ trung gian. Chính vì lý do đó mà khi tôm ăn càng nhiều thì mầm bệnh thải ra môi trường ngày càng nhiều và sẽ gây nhiễm cho các con tôm trong ao.
Điều đáng nói bệnh này chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tác nhân gây bệnh có thể tồn tại lâu ngày trong bùn dưới dạng bào tử, nếu không phát hiện kịp thời, nguy cơ bệnh tiềm tàng, bùng phát gây hại cho tôm nuôi.
Bệnh vi bào tử trùng Microsporidian trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Khi bị nhiễm bệnh khiến tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy và làm cho tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng.
Đảm bảo cho vụ tôm thu đông, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đã cảnh báo, hướng dẫn phòng, chống bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm cho các địa phương để tuyên tuyền cho các hộ nuôi tôm.
Theo đó, các chủ đầm chủ động việc quản lý dịch bệnh, quan trọng hơn cả là quản lý dịch bệnh từ đầu nguồn - từ con giống, và sâu xa hơn nữa là từ con giống bố mẹ. Ngoài tìm mua giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch và cần phải có kết quả xét nghiệm giống không mang mầm bệnh EHP.
Ngoài ra, quá trình nuôi cần phải tuân thủ theo quy trình nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối không được sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Khi phát hiện tôm còi cọc, phải báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời, cắt đứt con đường xâm nhập, lây truyền bệnh...
Theo:tepbac.com