Bệnh đuôi đỏ (Taura)

Thứ ba, 15/10/2019 - 02:39 PM      637

Virus gây hội chứng Taura (Taura syndrom virus - TSV) được phát hiện vào năm 1992 ở Ecuador và nhanh chóng truyền sang các nước Châu Mỹ, châu Á gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm. Tác nhân gây bệnh là Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae, có dạng hình cầu 20 mặt, đường kính 30-32nm. Virus ký sinh tế bào biểu mô và dưới biểu mô đuôi.

Tôm bị bệnh Taura

Hội chứng Taura thường gặp ở tôm thẻ chân trắng giai đoạn nuôi từ 14 - 45 ngày tuổi, cỡ 0,05 - 7,0g. Bệnh đuôi đỏ cũng có thể nhiễm trên tôm sú, tôm he Nhật Bản và một số loại tôm khác. Dịch bệnh TSV rất nguy hiểm, thời gian ủ bệnh cao, lan truyền rất nhanh, có thể gây chết từ 40- 95% ở tôm nuôi. Triệu chứng của bệnh đuôi đỏ phổ biến là cơ thể và các bộ phận khác có màu đỏ hoặc đen hồng, biếng ăn, hoặc rúc vào đìa nuôi. Tôm yếu, èo uột, vỏ mềm, ruột không có thức ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé bờ, chậm lớn. Gan tụy có màu vàng hơn bình thường, mang, đuôi có thể bị sưng. Thân tôm (đuôi, chân bơi) có màu đỏ nhạt, hồng xám. Khi dùng kính hiển vi quan sát đuôi và chân bơi của tôm sẽ thấy có dấu hiệu hoại tử. Ở giai đoạn cấp tính, tôm thường chết trong quá trình lột xác. Nếu tôm sống lột vỏ được, chúng có thể hồi phục và sinh trưởng bình thường, dù vẫn nhiễm liên tục virus. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là chọn con giống không có mầm bệnh Taura sau khi qua kiểm tra PCR hoặc theo phương pháp SPF (Specific Pathogen Free). Thiết kế ao nuôi riêng biệt, làm lưới ngăn giáp xác mang mầm bệnh vào ao, không lấy nước trực tiếp từ nguồn nước chưa xử lý, định kì cho ăn bổ sung các loại thuốc tăng sức đề kháng: vitamin C, khoáng, probiotic. Khi ao tôm nhiễm bệnh, phải sát khuẩn kĩ, giảm tối thiểu sự lây lan qua các ao khác.
Theo:contom.vn

Tags:
Ý kiến của bạn