Các đại biểu và nông dân tham quan mô hình ươm cá giống và cá thương phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. |
Để góp phần giúp bà con phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ngày 12 - 13/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Tổng cục Thủy sản, Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông ngiệp chủ đề “Phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt”.
Áp dụng “sông trong ao”, thu 20 tỷ đồng
Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều ngày 12/11 các đại biểu đã đi thăm mô hình ương cá giống và nuôi cá thương phẩm của HTX thủy sản Hưng Phát; mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của HTX thủy sản sạch Hưng Hải.
Ông Lưu Văn Dũng - Giám đốc HTX thủy sản Hưng Phát cho biết: HTX có 45ha mặt nước nuôi thủy sản. Được sự hỗ trợ vốn và công nghệ từ Chi cục Thủy sản tỉnh Hưng Yên, HTX đã tiên phong áp dụng mô hình “sông trong ao”. Chúng tôi đã thiết kế 1 bể rộng khoảng 125m2, sâu 2,5m, trong bể được trang bị máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ.
Với mô hình ương cá giống và nuôi cá thương phẩm, hàng năm HTX bán ra từ 200 - 300 tấn cá các loại, tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, thu hút 24 thành viên tham gia.
Trong khi đó, mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của HTX thủy sản sạch Hưng Hải lại tập trung nuôi các loại cá cho giá trị kinh tế cao như lăng, chiên, trắm đen, chép… “Lồng nuôi đặt tại vùng nước chảy, sạch nên cá luôn khỏe, lớn đều. Năm 2018, HTX thu hoạch 35 tấn cá, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng” - ông Lê Ngọc Thắng - Phó Giám đốc HTX Hưng Hải chia sẻ.
Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG cho biết: Thời gian qua, TTKNQG đã phối hợp với các tỉnh phía Bắc xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè, nuôi thâm canh cá rô phi VietGAP, nuôi ghép các đối tượng cá truyền thống, nuôi cá kết hợp trồng lúa… Hầu hết các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, một số dự án có quy mô, diện tích sản xuất lớn như 2 dự án phát triển mô hình nuôi cá lúa, quy mô 73ha tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình; dự án phát triển nuôi các đối tượng truyền thống và nuôi cá hồ chứa, quy mô 74ha, ngoài ra còn có một số dự án xây dựng các mô hình nuôi ghép cá chép V1, cá trắm cỏ, cá rô đồng, chạch đồng và cua đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, dù có nhiều tiềm năng về diện tích mặt nước, song việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn như: Thời tiết diễn biến bất thường, đây là điều kiện cho bệnh thủy sản phát sinh; quản lý chất lượng giống ở các địa phương khó kiểm soát; công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh ở nhiều địa phương còn hạn chế, hoặc chưa hiệu quả.
Chú trọng nuôi thủy sản an toàn
Diễn đàn thu hút 110 đại biểu và nông dân đến tham dự, Ban cố vấn đã giải đáp 36 câu hỏi của bà con về việc nhận biết, phòng trừ và xử lý khi cá gặp bệnh…
"Các địa phương cần phát triển thủy sản theo quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, khuyến khích phát triển nhân rộng các mô hình nuôi đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, VietGAP, đặc biệt cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm sản xuất ra thị trường tiêu thụ ổn định”. Ông Kim Văn Tiêu |
Trả lời câu hỏi của bà Đào Thị Lan (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) về giải pháp xử lý khi nước ao có màu nâu, cá chép, rô phi bị chết, PSG - TS Kim Văn Vạn (Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Ao đang bị ô nhiễm do một số loại tảo gây ra, cách tốt nhất là thay từ 40 - 50% lượng nước ở trong ao, sau đó bổ sung vôi bột với lượng từ 20 - 30kg hòa tan vào nước, rải đều trên mặt ao, kết hợp máy bơm hoặc quạt nước để tăng ôxy, sẽ có tác dụng ổn định môi trường nước trong ao.
Trả lời thắc mắc của một số bà con về cách phòng bệnh cho cá khi thời tiết thay đổi giữa các mùa trong năm đối với mô hình “sông trong ao” - chuyên gia thủy sản Nguyễn Thị Hà cho hay: “Bà con nên phòng bệnh trước cả một chu kỳ nuôi. Còn giai đoạn chuyển mùa, sau khi cải tạo, lấy nước vào ao phải sử dụng chế phẩm sinh học ngay từ đầu. Định kỳ 7 ngày/lần phải bón chế phẩm sinh học kết hợp điều chỉnh thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển của cá. Sau giai đoạn này định kỳ 15 ngày bón vôi 1 lần”.
Chuyên gia Nguyễn Thị Hà cũng lưu ý, bà con nên dùng tỏi để làm thức ăn cho cá rất hiệu quả, nếu dùng tỏi tươi thì sử dụng 100 - 150g/100kg cá/ngày, mỗi đợt từ 10 - 15 ngày. Hoặc có thể ủ men tỏi với liều lượng 10kg tỏi khô bóc vỏ, nghiền nhỏ, cộng với 1kg đường kính pha với 1 lít dấm và 16 lít nước, sau đó trộn đều đưa vào thùng nhựa hoặc chum sành ủ từ 25 - 30 ngày rồi lấy ra cho cá ăn.
“Còn khi nước ao bị váng xanh, váng đỏ và nước đục, bà Hà khuyến cáo không được để cho tảo phát triển quá mức, hoặc nước để đục lâu từ 20 - 30 ngày. Nước bị như vậy là do dư thừa dinh dưỡng” - bà Hà nói.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn