Xuất khẩu gỗ sẽ lập kỷ lục 11 tỷ USD?

Thứ năm, 31/10/2019 - 03:14 PM      752

Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), với những triển vọng rất sáng về thị trường, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2019 có thể đạt kim ngạch 11 tỷ USD, tiếp tục lập kỷ lục mới.

 
 
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 có thể đạt 11 tỷ USD


Liên tiếp lập kỷ lục

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 9,041 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,955 tỷ USD. Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt 7,81 tỷ USD, chiếm khoảng  86,6% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.

"Nguồn nguyên liệu rừng trồng đã đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ minh bạch và bền vững”.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT)

Bộ Công Thương đánh giá, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại thuận lợi cho ngành gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 9 tháng năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chiếm tới 48,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,64 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, ngoài thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 sang các thị trường như: Nhật Bản, Anh, Canada, Đức và Đài Loan cũng tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ đã góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt.

“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ hợp tác với Chương trình chứng thực chứng nhận tiêu chuẩn rừng (PEFC), xây dựng hệ thống tài liệu để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Hiện, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 249.163ha trên địa bàn 22 tỉnh. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, đã cấp 22.924ha trên địa bàn 9 tỉnh gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định.

Tuyên Quang là tỉnh có diện tích cấp chứng chỉ rừng lớn nhất, trên 6.000ha. Nguồn nguyên liệu rừng trồng đã đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ minh bạch và bền vững” - ông Trị nói.

Mở rộng cơ hội ở EU

Trước những băn khoăn về việc gian lận xuất xứ gỗ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, ông Bùi Chính Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Phát triển lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai là thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn sẽ dẫn tới việc Chính phủ Mỹ áp đặt những chính sách bảo hộ ngành công nghiệp gỗ trong nước, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp rất có thể xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

“Để ngăn chặn việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) mượn tên gỗ Việt để xuất sang Mỹ nhằm né thuế, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang kiểm tra ngay những cơ sở này để không làm ảnh hưởng đến uy tín gỗ Việt. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng, liên tục cập nhật các thông tin từ phía đối tác và các cơ quan chức năng để tránh các rủi ro trong thương mại” - ông Nghĩa nói.

Bên cạnh thị trường Mỹ, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện EU được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng cho gỗ Việt. Năm 2018, sản xuất đồ nội thất ở châu Âu đạt hơn 92 tỷ EUR (tương đương 102,7 tỷ USD), chiếm 1/4 ngành công nghiệp đồ nội thất toàn cầu.

Trong số các nước EU, Đức được coi là một điểm đến hứa hẹn của gỗ Việt. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức trong tháng 7/2019 đạt 357,8 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 2,9 tỷ USD.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 5 cho Đức trong 7 tháng đầu năm 2019, đạt 86,2 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Đức 7 tháng đầu năm 2019 tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2,9%.

Dù Đức là thị trường vẫn còn tiềm năng đối với ngành gỗ Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý, so với luật chung của EU, luật của Đức nghiêm ngặt hơn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn: Chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Thương hiệu, sản phẩm nào đã vào được thị trường Đức cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được các thị trường khác trong khối EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế xuất nhập khẩu... của Đức để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn

Tags:
Ý kiến của bạn
Tin nổi bật
Ngành gỗ Việt Nam tìm hướng xuất khẩu mới
Thứ hai, 30/12/2019 - 02:58 PM
847
Xuất khẩu gỗ đã vượt kỷ lục năm 2018
Thứ năm, 28/11/2019 - 02:59 PM
856
Xuất khẩu lâm sản tăng hơn 18%
Thứ năm, 19/09/2019 - 03:28 PM
660
Tin xem nhiều