PGS-TS Ngô Hoàng Long (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết chương trình môn toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất (đặc biệt chú trọng nội dung thống kê). Trong 3 mạch này, sự thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là Thống kê và xác suất.
Ở cấp tiểu học, kiến thức này chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 17-18 %.
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn - Ảnh: Đặng Trinh
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Trả lời việc học sinh sẽ học xác suất và thống kê như thế nào ở tiểu học, GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán - Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng các bài học liên quan tới xác suất, thống kê ở lớp 2, lớp 3 nhìn qua các hoạt động học này khá đơn giản. Ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc sắc, sẽ có kết quả khác nhau, có thể mỗi lần gieo là 6, 5 nhưng có thể là 1, 2… Các thao tác đó cho các em khái niệm về sự "chắc chắn" hay "có thể". Hoặc những câu hỏi "mặt trời có thể mọc vào ban đêm không?" hay "Mặt trăng có mọc vào giữa trưa không? cũng được đưa vào SGK.
Bài học về "thống kê", ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp để xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Ông Đỗ Đức Thái cho rằng việc đưa xác suất, thống kê từ lớp 2 là cần thiết. Vấn đề quan trọng ở đây là mức độ và cách triển khai hoạt động học như thế nào phù hợp. Khái niệm ở khía cạnh khoa học thì có vẻ to tát, nhưng thực chất nó hết sức đơn giản.
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, khi nghiên cứu chương trình và một số sách giáo khoa toán viết theo chương trình mới thì những nội dung được cho là "xác suất", "thống kê" chỉ là những yêu cầu ở dạng đơn giản có trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhằm hình thành khái niệm ban đầu, khả năng quan sát, kiểm đếm, những nhận xét về quy luật tự nhiên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc độ giáo viên, một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp ở Hà Nội chia sẻ để dạy được các nội dung này không phải là điều dễ dàng. Thực tế, để dạy một thì phải biết mười, trong khi các thầy cô sinh năm 1990 trở về trước không được học về xác suất, thống kê trong chương trình phổ thông. Các thầy cô khác thì cũng lâu rồi không dùng đến các kiến thức liên quan đến xác suất. Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, ngoài tập huấn, các thầy cô cũng phải tự học, tự đào tạo mình để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Bên cạnh đó dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức lớp học theo các hoạt động để từ đó phát huy năng lực của học sinh, lĩnh hội tri thức mới. Các giáo viên phải có kiến thức khoa học, thực tiễn sâu sắc, có năng lực tổ chức lớp học.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).