Hà Nội: Tìm giải pháp tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn

Thứ bảy, 20/07/2019 - 03:05 PM      806

Vừa qua, tại huyện Sóc Sơn, Hội Nông dân phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội đã tổ chức diễn đàn “Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi”.

 

Hà Nội hiện có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.  Ảnh:  I.T 

121 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ

Có mặt tại diễn đàn, ông Lê Trọng Khuê - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản, nguyên liệu gắn với chế biến, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả có múi, hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên...

Cụ thể với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động hiệu quả; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia ngày càng hiệu quả, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của thành phố.

Để các chuỗi này hoạt động tốt, cần đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp cho nông dân theo phương thức trả chậm đạt nhiều kết quả. Chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nghề, hướng dẫn nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân phát triển sản xuất.

Tháo gỡ đầu ra cho nông sản

Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn nhận định, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia. Đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá.

Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường chưa rõ; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả…

Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe các ý kiến tham luận trao đổi những nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: Chuyển đổi mô hình trồng rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân; mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè sạch Bắc Sơn; mô hình chuỗi gà đồi Sóc Sơn; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường và giá trị cho sản phẩm nông lâm thủy sản;

Chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; công tác tuyên truyền về xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.  

Tại diễn đàn, lãnh đạo Hội Nông dân thành phố và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội đã trực tiếp trao đổi và giải đáp các câu hỏi của các đại biểu đại diện cho hội viên nông dân của 3 đơn vị: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh.

Các ý kiến phản hồi liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và tăng cường các hoạt động truyền thông, maketing thị trường…
Theo: Thủy Sản Việt Nam

Tags:
Ý kiến của bạn