Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng và các bạn Lào, Campuchia tham quan Trang trại trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng |
Qua một số mô hình nông nghiệp 4.0 ở các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại cho thấy công nghệ đèn LED thường được áp dụng ở các nước có một trong những đặc thù như: Có nền công nghiệp phát triển cao, có nền nông nghiệp hiện đại, những quốc gia dễ ảnh hưởng biến đổi khí hậu hoặc diện tích sản xuất nông nghiệp ít như: Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Vương quốc Bỉ, vùng lãnh thổ Đài Loan…
Các quốc gia này đã khai thác công nghệ đèn LED nhằm tăng hệ số sử dụng đất; đây là công nghệ tạo bước sóng ánh sáng tối ưu nhất, do đó, cây trồng được sử dụng ánh sáng hầu như đáp ứng tuyệt đối quá trình sinh trưởng của cây từ lúc trồng đến lúc thu hoạch; vì vậy, có năng suất tối ưu và chất lượng tốt nhất đã và đang trở thành công nghệ không thể thiếu để canh tác trong nhà phục vụ ở các khu công nghiệp và nông nghiệp đô thị, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng và tuyệt đối an toàn thực phẩm.
Đối với Việt Nam, tiếp cận nông nghiệp thông minh như thế nào cho phù hợp?
Cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đến nay, Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh, song thực tế hiện nay cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh.
Đối với nhà cùng cấp, qua nghiên cứu ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 12 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group; công ty công nghệ DTT; tập đoàn FPT; tập đoàn VNPT; công ty CPPTNNTM Bigdata Trace; công ty Konexy; công ty Hachi; công ty Rynan Smart Fetilizer; công ty TNHH Mimosa Technology, Hiệp hội công nghệ cao TP.HCM; công ty Microsoft Việt Nam, Agricheck...
Tuy nhiên, hiện nay, chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT cho trang trại còn khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phần cứng, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0 ở Việt Nam mà chủ yếu phải nhập ngoại từ Isreal, Nhật Bản, Đức, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Từ thực trạng này cho thấy Việt Nam đang tiếp cận rất nhanh các giải pháp phần mềm về IoT, song việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị công nghệ phần cứng IoT còn gặp nhiều khó khăn.Đây là bài toán đặt ra Chính phủ cần có định hướng, chính sách tạo điều kiện cho các nhà sáng chế, các nhà nghiên cứu sản xuất ra các thiết bị công nghệ IoT để đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực nông nghiệp thông minh 4.0 nói riêng càng nhanh càng tốt; nếu chậm, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ các thiết bị IoT trong nông nghiệp thông minh 4.0 của các quốc gia có thế mạnh sản xuất các thiết bị IoT hiện đại.
Đối với nhà ứng dụng công nghệ IoT đã xuất hiện mạnh mẽ trong vòng 5 năm trở lại đây ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trang trại ở nhiều vùng sinh thái và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, các dự án rau sạch của Tập đoàn Vingroup triển khai tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Lâm Đồng…
Đến nay, cả nước có khoảng 50 trang trại/doanh nghiệp ứng dụng IoT; trong đó ở tỉnh Lâm Đồng có khoảng 30 doanh nghiệp/trang trại. Đó là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 trong những năm tới.
Để nông nghiệp thông minh 4.0 phát triển hiệu quả phù hợp với điều kiện ở Việt Nam cần xây dựng các số giải pháp, chính sách sát thực tiễn sản xuất, có “tính sống cao” nhằm huy động các nguồn lực để tiến quân vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0.
Từ đó, Việt Nam có thể chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới, giúp nông nghiệp nước ta có những mô hình nông nghiệp 4.0 quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản độc đáo, đảm bảo an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh cao vào năm 2020.
Theo: http://www.hoinongdan.org.vn