Dạy đọc nhưng không dạy nghĩa
GS.TS Trần Đình Sử, Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho biết, GS Hồ Ngọc Đại và bộ sách Công nghệ giáo dục đạt được nhiều thành công sau thời gian thực nghiệm rất dài là điều ai cũng thấy, không cần phải bàn.
GS Sử dẫn lời GS Đại cho rằng "Tiếng Việt là cấu trúc ngữ âm, chữ viết là vật thay thế cho âm". Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh sẽ học âm tiết, không học nghĩa.
GS Đại dạy học sinh quy tắc chính tả là các quy ước; giúp học sinh phân biệt âm và chữ; tập đọc vần và viết theo vần; kết hợp dạy chính tả sẽ giúp học sinh biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm của sách giáo khoa này.
Nhưng chỉ dạy học sinh cách đọc mà không hiểu nghĩa của từ mình đang đọc là một thiếu sót lớn và trầm trọng với các em sau này.
GS Sử chỉ ra, trong cách dạy Công nghệ giáo dục, giáo viên thực hiện "răm rắp" theo sách hướng dẫn. Điều đó như người thợ làm việc máy móc thực hiện đúng các bước của quy trình. Sách Công nghệ giáo dục không đòi hỏi, thậm chí cấm giáo viên thay đổi các quy định của sách hướng dẫn.
Sách cũng không yêu cầu cha mẹ học sinh tham gia phối hợp dạy con học ở nhà. Điều này ngược với mục tiêu giáo dục.
Bộ sách Công nghệ giáo dục đang có nhiều điểm tồn tại lớn về mặt nội dung và phương pháp tiếp cận:
Thứ nhất, sách Tiếng Việt 1 của GS Đại không phải là sách khoa học. Chỉ có ngành ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngữ âm học mới là khoa học. Nó chỉ đơn thuần là sách giáo khoa Tiếng Việt sử dụng trong nhà trường, dạy học sinh đọc chữ, viết chữ đúng chính tả, đọc hiểu nghĩa, biết nói, viết các bài văn bằng Tiếng Việt.
Học sinh lớp 1 chưa cần học khoa học về ngôn ngữ quá nặng như âm, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, âm đôi - những khái niệm chỉ ở bậc đại học mới đề cập tới. GS Đại còn cho học sinh học thêm các khái niệm của riêng ông như vật thật, vật thay thế; rồi quy tắc chính tả. Tất cả đều thật quá tải.
Thứ hai, dạy học Tiếng Việt, dù dạy gì, đều là dạy học sinh năng lực sử dụng Tiếng Việt: đọc, viết, nói, nghe, suy nghĩ. Còn GS Đại cho học sinh đọc âm, viết đúng chính tả mà không hiểu nghĩa. Chưa kể sách thiếu hẳn phần kể chuyện, nói, nghe, chào hỏi.
Thứ ba, sách giáo khoa dạy cho học sinh phải có nội dung tư tưởng, đạo đức. Nhưng GS Đại viết trong sách nhiều từ phản cảm như: ăn quỵt, hàng thịt nguýt hàng cá, củ rủ cù rù.
Đồng thời, nhiều bài trong sách yêu cầu học sinh đọc văn bản chưa phù hợp với lứa tuổi của mình như: Bình Ngô Đại cáo, Hịch tướng sĩ, Nam Quốc sơn hà. Nếu chỉ cốt tập đọc âm và chữ, thì quá nặng nề và không có mấy ý nghĩa.
Thứ tư, sách giáo khoa Công nghệ giáo dục viết không theo một chương trình được xây dựng khoa học. GS Đại cũng chưa từng công bố chương trình Công nghệ giáo dục đầy đủ, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện chỉ có sách lớp 1, còn từ lớp 2 chưa có, gặp đâu hay đó.
Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn
Theo GS Trần Đình Sử, Bộ GD&ĐT thực hiện đúng theo chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Xây dựng hoàn chỉnh và cơ bản hoàn thành những công đoạn quan trọng, tiến tới triển khai một khi chương trình tổng thể, chương trình môn học. Đó chính là pháp lệnh của toàn bộ ngành giáo dục.
Cho dù GS Hồ Ngọc Đại và những cộng sự khẳng định sách Công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm như giúp học sinh không nói ngọng, không tái mù và đang dạy với số lượng học sinh tương đối lớn trên hàng chục tỉnh thành của cả nước.
Nhưng, theo GS Sử đã đến lúc không thể để sách Công nghệ giáo dục lớp 1 đứng riêng chương trình giáo dục được.
Sách của GS Đại được viết 40 năm nay, từng được sử dụng đại trà mà không qua thẩm định. Năm 2017 Bộ tổ chức thẩm định để khỏi phạm luật, Hội đồng đã chỉ ra nhiều bất cập, nhưng GS Đại không chấp nhận.
Hội đồng cho phép sách của GS Hồ Ngọc Đại chỉ được sử dụng cho đến khi có chương trình mới. Đến nay chương trình mới ban hành, sách của GS Đại hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, GS Đại lại mang sách cũ, không sửa một chữ, đưa cho Hội đồng thẩm định yêu cầu thông qua.
Khi Hội đồng thẩm định đánh giá không đạt, thì GS Đại kêu với báo chí rằng Hội đồng không đủ trình độ đánh giá sách của ông. Ông còn kêu với Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để sử dụng vô điều kiện sách của ông cho năm học mới. "Đó là môt yêu cầu vô lý, vi phạm luật giáo dục, mà ai cũng thấy, chỉ riêng ông là không thấy", GS Trần Đình Sử nói.
"Nếu sách của thầy Đại hay tại sao lại không tiếp tục phát triển lên các lớp trên mà chỉ có ban hành một bộ sách lớp 1 và hơn 40 năm qua vẫn mang thân phận là sách "thí điểm", vị giáo sư đặt câu hỏi.
Trải qua 40 năm, Bộ GD&ĐT có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời. Bộ sách này vẫn dạy thực nghiệm, vẫn được Bộ cho phép triển khai và còn mở rộng ra nhiều tỉnh, sách vẫn do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phát hành.
Như vậy đã quá là ưu ái với chính tác giả và số phận của bộ sách. Giờ là lúc Bộ GD&ĐT cần dứt khoát đưa sách giáo khoa này trở lại luật chơi chung, quỹ đạo chung.
Đây là thời cơ để quyết định, nếu không chỉnh sửa cho phù hợp thì buộc lòng phải "khai tử" bộ sách. Và dĩ nhiên, không quyết liệt được thì lại thêm một vòng đời luẩn quẩn cho sách giáo khoa Công nghệ giáo dục kéo dài hàng chục năm sau. Bộ GD&ĐT có quyền quyết, nắm trong tay "luật chơi" thì tại sao phải chần chừ.
Theo:soha.vn